Vai Trò Của Silic Đối Với Cây Trồng 

Silic (Si) không phải là nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu theo định nghĩa truyền thống, nhưng nhiều nghiên cứu và thực tế sản xuất đã cho thấy: vai trò của silic là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cây trồng, cải thiện chất lượng nông sản và tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh, điều kiện bất lợi.

Ngày nay, silic được xem là “chất dinh dưỡng chức năng” – không tham gia trực tiếp vào cấu trúc sinh hóa, nhưng lại giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh và bền vững hơn, đặc biệt là trong canh tác hữu cơ, thâm canh hoặc những vùng đất bị suy thoái.


1. Silic có trong tự nhiên nhưng không dễ hấp thu

Silic là nguyên tố phổ biến trong vỏ trái đất, có mặt nhiều trong đất dưới dạng oxit silic (SiO₂), tuy nhiên cây chỉ hấp thu được dưới dạng axit monosilicic – H₄SiO₄ tan trong nước. Trong nhiều loại đất, đặc biệt là đất bị canh tác lâu năm hoặc đất cát nhẹ, hàm lượng silic dễ tiêu thường rất thấp.

Vì vậy, bổ sung silic dạng dễ hấp thu thông qua phân bón là cần thiết, nhất là với các cây trồng nhạy cảm hoặc có giá trị kinh tế cao.


2. Vai trò của Silic đối với cây trồng

Silic mang lại nhiều tác dụng toàn diện, cả về sinh lý lẫn bảo vệ thực vật:

Vai trò của silic

a) Tăng sức chống chịu với sâu bệnh

– Silic tích tụ dưới lớp biểu bì tạo thành một lớp rào cơ học, giúp lá và thân cây dày, cứng cáp, khó bị sâu chích hút hoặc nấm xâm nhập.

– Kích hoạt các enzyme phòng vệ nội sinh, giúp cây phản ứng nhanh hơn với điều kiện bất lợi.

b) Hạn chế mất nước, giảm sốc nhiệt

– Lớp silica mỏng trên bề mặt lá giúp giảm thoát hơi nước, hạn chế hiện tượng héo, cháy lá trong thời tiết nắng nóng hoặc khô hạn.

c) Hỗ trợ hấp thu dinh dưỡng khác

– Silic giúp cân bằng giữa các ion dinh dưỡng, đặc biệt là giảm độc do hấp thu thừa đạm, nhôm hoặc kim loại nặng trong đất.

d) Tăng độ cứng thân, chống đổ ngã

– Ở cây thân thảo như lúa, silic làm thân cây cứng chắc hơn, giảm gãy đổ trong giai đoạn trổ và thu hoạch.

e) Cải thiện chất lượng nông sản

– Giúp trái cây lên màu tốt hơn, da sáng bóng, ít bị nứt vỏ.
– Kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch.
– Ở cây hoa: tăng độ bền màu, kéo dài tuổi thọ hoa cắt cành.


3. Ứng dụng cụ thể trên từng nhóm cây trồng

Cây ăn trái (sầu riêng, cam quýt, xoài, nhãn, bưởi…)

– Giúp vỏ trái dày, hạn chế nứt trái khi gần thu hoạch.
– Tăng sức bám trái trên cành, giảm rụng trái non.
– Hạn chế hiện tượng trái bị nám, thối hoặc nhiễm nấm sau mưa.

Reasons For Splitting Fruit On Bushes And Trees | Gardening Know How

Cây trồng lấy hoa (cúc, hồng, lay ơn, ly…)

– Tăng độ cứng cành, hoa đứng thẳng, hạn chế gãy đổ.
– Lá và cánh hoa dày, hạn chế héo nhanh sau cắt.
– Tăng độ bóng và màu sắc hoa, tăng giá trị thương phẩm.

Pre- and/or Postharvest Silicon Application Prolongs the Vase Life and  Enhances the Quality of Cut Peony (Paeonia lactiflora Pall.) Flowers

Lúa và cây ngũ cốc

– Tăng độ cứng thân, hạn chế đổ ngã trong giai đoạn trổ và chín.
– Hạn chế sâu cuốn lá, đạo ôn, cháy bìa lá.
– Giúp lá đứng, quang hợp tốt hơn, tăng năng suất và tỷ lệ chắc hạt.


4. Khi nào nên bổ sung Silic?

Silic không cần bổ sung thường xuyên như N-P-K, nhưng lại rất quan trọng trong những giai đoạn:

– Cây bước vào giai đoạn sinh trưởng mạnh (ra lá, đâm cơi)
– Trước và sau khi trổ, làm bông hoặc nuôi trái
– Khi thời tiết nắng gắt, khô hạn, hoặc sau mưa nhiều
– Khi cây có dấu hiệu rụng trái non, đổ ngã, lá mỏng dễ cháy