Sản xuất sầu riêng quy mô lớn, chất lượng cao để xuất khẩu

Những năm gần đây, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) tổ chức sản xuất sầu riêng theo hình thức liên kết xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, nâng cao chất lượng để xuất khẩu.

Mở rộng quy mô, liên kết sản xuất

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông (Lâm Đồng): sầu riêng là một trong những cây trồng tiềm năng và là thế mạnh của huyện. Thời gian qua, mô hình sản xuất sầu riêng trên địa bàn huyện được tập trung phát triển và đạt kết quả cao.

“Với mức giá giao động từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg, sầu riêng đã trở thành mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giúp nhiều nông hộ vươn lên làm giàu”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông nói và cho biết thêm, huyện có khí hậu, thổ nhưỡng và thủy văn thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển. Đặc biệt huyện có điều kiện để hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đáp ứng nguồn nông sản chất lượng và hướng đến xuất khẩu.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành và đang mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng. Trong đó bao gồm 1 hợp tác xã và 5 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng. Qua thống kê, hiện nay diện tích trồng sầu riêng toàn huyện khoảng 1.800 ha, trong đó diện tích trồng thuần gần 750 ha, trồng xen trên 1.000 ha.

Dscf8720

Diện tích sầu riêng toàn huyện Đam Rông ở vào khoảng 1,8 nghìn ha. Trong đó diện tích trồng thuần gần 750 ha, trồng xen trên 1 nghìn ha. Ảnh: Ngọc Vàng.

Diện tích sầu riêng ứng dụng công nghệ cao của địa phương khoảng 578 ha. Theo Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông, diện tích sầu riêng bước vào giai đoạn kinh doanh của huyện là 451 ha, chiếm 24,8% tổng diện tích với tổng sản lượng trên 4,3 nghìn tấn.

Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu sầu riêng đang đầu tư, mở rộng tại địa bàn huyện với vùng liên kết lên đến hàng trăm ha. Ngoài ra, để đáp ứng các yêu cầu thị trường, đặc biệt xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, một số doanh nghiệp đã đề xuất cấp 5 mã số vùng trồng với tổng diện tích khoảng trên 260 ha.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông cho biết: “Để các mô hình sản xuất sầu riêng đạt hiệu quả cao, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tập huấn cho người sản xuất, tổ chức các cuộc trao đổi kỹ năng sản xuất tại vườn điểm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện cũng xây dựng các mô hình sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao, mô hình tưới tiết kiệm để phổ biến đến người dân”.

Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả qua sản xuất sầu riêng

Để đẩy mạnh phát triển diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn và đáp ứng nguồn nông sản chất lượng cao cung cấp cho thị trường, hướng đến xuất khẩu, ngành nông nghiệp huyện Đam Rông hướng đến thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, tiêu thụ và chế biến sâu nông sản.

Đồng thời tổ chức công tác khuyến nông, trao đổi kỹ năng sản xuất sầu riêng đầu vườn cho nông hộ.Hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất sầu riêng an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

“Huyện cũng chú trọng các giải pháp về kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất, sản lượng sầu riêng gắn kết với chuỗi giá trị và liên kết tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông nói.

Dscf8759

Huyện Đam Rông đang thực hiện chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả qua sản xuất sầu riêng nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Ngọc Vàng.

Ngành nông nghiệp huyện Đam Rông đang thực hiện hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cây trồng kém hiệu quả như chuyển diện tích vườn điều, cà phê già cỗi thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm sang trồng sầu riêng. Đối với diện tích sầu riêng đang trồng xen, địa phương này tổ chức vận động người dân chuyển đổi sang trồng thuần khi cây bước vào giai đoạn kinh doanh, tức năm thứ 4 trở lên để thuận tiện chăm sóc và tăng năng suất, chất lượng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông, địa phương đang hướng dẫn UBND các xã tổ chức rà soát, đánh giá các tiêu chí sản xuất sầu riêng công nghệ cao. Và trên cơ sở rà soát này, ngành nông nghiệp sẽ đề xuất các giải pháp hỗ trợ đối với các tiêu chí chưa đạt để hình thành vùng sầu riêng công nghệ cao vào cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước đây, Đam Rông là huyện khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, Đam Rông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều loại cây trồng giá trị.

“Đặc biệt cây sầu riêng đã được huyện Đam Rông lồng ghép, triển khai trong các chương trình hỗ trợ nông dân và đã đạt hiệu quả cao. Với thị trường xuất khẩu sầu riêng sôi động như hiện nay, huyện Đam Rông cũng đã có những mã số vùng trồng được cấp, có những doanh nghiệp đã liên kết mạnh mẽ với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây là sự phát triển rất phù hợp”, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.

(Nguồn tin: Tạp chí Nông nghiệp Việt Nam)