5 Bước xử lý làm bông sầu riêng

BƯỚC 1: LÀM GIÀ LÁ

– Thời điểm: Trước khi ra bông khoảng 1 tháng.
– Bón phân: Tiến hành bón lân gốc hoặc sử dụng phân hòa tan để tưới, có hàm lượng Lân và Kali vừa đủ để thúc quá trình ra hoa, kết hợp phun già lá (NPK 10-60-10).
– Liều lượng: Tùy vào đất, tuổi cây, sức cây, độ lớn của cây mà dùng với liều lượng thích hợp. (trung bình là 3-4 kg/cây).
– Cách bón: Tưới vào khu vực dưới tán, phạm vi 2/3 tán (tính từ gốc ra ngoài).

Dscf8834

BƯỚC 2: PHUN TẠO MẦM

– Phun tạo mầm lần 1: Tùy theo cây đi đọt nhanh hay chậm và căn cứ vào điều kiện thực tế của lá cây, thông thường là sau thời điểm bón phân gốc khoảng 10 ngày. Bà con phun kích mầm lần 1, phun đều trên tán lá hoặc tưới dưới gốc. Tiến hành cắt nước trong 15-20 ngày đến khi cây có dấu hiệu xào lá (lá mất nước), tưới nhấp 2 lần.
– Phun tạo mầm lần 2: Sau khi phun lần 1 khoảng 10 ngày, phun kích mầm lần 2. Quan sát biểu hiện của cây và tình hình thời tiết, bà con nên kiểm tra thường xuyên theo dõi mắt cua, số lượng nhiều hay ít, ra đều cành hay chưa … nếu chưa thấy dấu hiệu gì thì tiến hành tạo mầm lần 3 mỗi lần tạo mầm cách nhau 7-10 ngày. Đến khi cây xuất hiện mắt cua khoảng 70% trên vườn.
– Khi mắt cua nhú đều, tiến hành tưới nhấp nước đều để giữ ẩm cho cây.

Dscf8593

BƯỚC 3: LÀM ĐỌT THEO BÔNG

Khi mắt cua đã sáng và dài 2-3 cm: Tiến hành khiển đọt theo bông (khắc phục tình trạng rụng bông hàng loạt) thời gian từ khi cây ra mắt cua đến khi xổ nhụy từ 1,5 – 2 tháng (cần kích cho cây đi 1 cơi đọt sau khi mắt cua hoàn chỉnh và trước khi bông bắt đầu xổ nhụy), bà con kết hợp vừa phun qua lá vừa bón gốc như sau:
– Bón lần 1: Sau 3 ngày mắt cua ra đều, tiến hành sử dụng phân bón có hàm lượng đạm cao kết hợp trung vi lượng và phân hữu cơ đồng thời phun kéo đọt và dưỡng bông và tưới đủ nước cho cây.
– Bón lần 2: Sau lần 1 khoảng 10 ngày bà con tiếp tục bón phân cao đạm (tỉ lệ 3:1:1) kết hợp phân bón lá để kéo đọt và dưỡng bông.
– Bón lần 3: Sau lần 2 khoảng 10 ngày, tiếp tục phun kéo đọt và dưỡng bông.
Giai đoạn này, bà con nên phun phòng ngừa rệp, nhện đỏ và nấm trước khi hoa sổ nhụy (2-3 lần).
– Tưới nước: Bắt đầu tưới nước khi mắt cua ra dài 2-3cm. Lưu ý: Nếu tưới sớm khi mắt cua đang ra, chưa sáng rõ có thể dẫn đến nghẽn bông, mắt cua bị đen trở lại và sẽ ra bông lá. Khi bắt đầu tưới lại chỉ tưới sương nhẹ mặt đất, sau đó qua mỗi lần tưới tăng dần lượng nước thêm một tí, 1-2 ngày/lần.

Z4414286895341 435c99a1123d715ede6ae5d6000ebf5b

BƯỚC 4: CHẶN ĐỌT, DƯỠNG BÔNG

– Sau 25 – 30, xem tình hình phát triển đọt:
+ Nếu đọt đi yếu: tiến hành bón NPK 3 số bằng nhau (liều lượng 0,5-1kg/cây)
+ Nếu Đọt đi mạnh: tiến hành bón tập trung P+K
– Tiến hành phun mở lá và già lá trước khi bông xổ nhụy đến khi bông xổ nhụy đều thì lá phải già cứng (3-5 ngày/lần).
Giai đoạn này cây rất cần các nguyên tố trung lượng, vi lượng để hình thành hạt phấn, sức sống của hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa, do đó nên kết hợp sử dụng các loại phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng cho cây. (Nên sử dụng các loại phân hữu cơ + vi lượng + Canxi Bo).
Lưu ý: Trong lần phun khi hoa chuẩn bị nở, phối hợp với thuốc Agri – Fos 400 để hạt phấn hoa khỏe, giúp đậu quả tốt hơn và kháng bệnh xì mủ thân. Nồng độ phun 0,5% tương ứng 0,5 lít/100 lít nước.

Z4414314780862 E0561bc2a64be4138a0fbfaa4b9c51d6

BƯỚC 5: BÔNG XỔ NHỤY, ĐẬU NGÒI BÚT

– Giữ đất ráo không quá ẩm. Tưới nhẹ vào buổi sáng để cung cấp nước cho cây. Không bón hoặc phun phân, thuốc hóa học ở giai đoạn nhạy cảm này, cho đến sau xổ nhụy 7-10 ngày có thể bón các dòng phân 3 số đều để định hình thái.
– Bông sổ nhụy 80% phun dưỡng hoa bằng canxi bo (2 lần/ tuần).
– Nên kết hợp thụ phấn nhân tạo bằng chổi giai đoạn bông nở rộ (thời điểm 6h – 8h tối).
– Quá trình xổ nhụy nếu gặp mưa phải phun thuốc nấm ngay, hạn chế tình trạng nấm gây hại cho bông.
Lưu ý: Trong giai đoạn ra hoa cần tiến hành cắt tỉa bông cho cây sầu riêng. Một cây có thể có rất nhiều bông và bà con thường nghĩ để bông càng nhiều đậu trái càng nhiều, nên không dám tỉa bỏ. Khi chúng ta để quá nhiều bông trên cây, cây sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho bông (bông nhỏ, ốm, thiếu dinh dưỡng và dẫn đến rụng bông). Những bông ốm yếu thiếu dinh dưỡng thì hạt phấn sẽ rất ít, chất lượng hạt phấn kém, cây thụ phấn không đạt, trái dễ bị rụng hoặc nếu đậu thì trái xấu, méo mó. Ngoài ra, khi cây có quá nhiều bông sát nhau, tạo điều kiện cho nấm bệnh, sâu rầy phát triển và tấn công lên bông. Vì vậy, bà con nên tỉa bông ngay từ đầu và chỉ chừa lại số lượng bông phù hợp ở vị trí thích hợp.

Dscf8946

Trong giai đoạn bông (trước xổ nhụy) sẽ qua 3 lần tỉa bông:

+ Lần 1: Tỉa toàn bộ bông đầu cành.
+ Lần 2: Tỉa thưa các chùm bông trong cành, các chùm bông cách nhau khoảng 15- 20 cm, ưu tiên để lại chùm bông dưới, tỉa bỏ các chùm bông bên hông.
+ Lần 3: Tỉa bông trong chùm: tỉa bỏ bông ốm nhỏ, bị sâu bệnh, dị dạng, bông lá…

Giai đoạn xử lý ra hoa sầu riêng là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp, tùy thuộc vào thực tế từng cây, từng vườn, điều kiện thời tiết từng khu vực mà có các biện pháp áp dụng khác nhau. Nếu phù hợp bà con có thể tham khảo quy trình trên áp dụng cho vườn nhà mình. Có gì sai sót mong bà con bỏ qua, cùng nhau góp ý để quy trình hoàn thiện hơn ạ.